Lịch sử Hội_đồng_Nhân_sĩ_(Việt_Nam_Cộng_hòa)

Ngay sau khi đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963 thành công, ngày 2 tháng 11, Hội đồng Quân nhân Cách mạng do tướng Dương Văn Minh lãnh đạo đã ra tuyên cáo số 1 gồm 5 điểm:[1]

  1. Quân đội đã làm cách mạng lật đổ một chế độ độc tài thể theo ý nguyện của toàn dân.
  2. Cuộc cách mạng được toàn thể mọi tầng lớp nhân dân tham gia.
  3. Sẽ thành lập gấp một chính phủ lâm thời để điều hành quốc gia.
  4. Một Hội đồng Nhân sĩ sẽ được thành lập để cố vấn cho chính phủ trong giai đoạn chuyển đổi.
  5. Khi các định chế dân chủ được thực hiện, Hội đồng Quân nhân Cách mạng sẽ trao quyền cho quốc dân.

Sau đó 4 ngày, ngày 6 tháng 11 năm 1963, Hội đồng Quân nhân Cách mạng cùng Chính phủ lâm thời do cựu Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ làm Thủ tướng đã ra mắt giới báo chí. Trong cùng ngày, Hội đồng Quân nhân Cách mạng đã ra sắc lệnh thành lập Hội đồng Nhân sĩ. Thành phần Hội đồng Nhân sĩ dự kiến sẽ bao gồm nhiều nhân vật có tên tuổi được trọng vọng trong xã hội Việt Nam Cộng hòa và đã từng trực tiếp hay gián tiếp chống đối chính quyền Ngô Đình Diệm. Hội đồng Nhân sĩ sẽ bao gồm đại diện nhiều giới cùng đoàn thể như Nhóm Caravelle, Công giáo, Phật giáo, Cao Đài, v.v...

Tuy nhiên, mãi đến ngày 2 tháng 1 năm 1964, Hộ đồng Nhân sĩ mới khai mạc phiên họp đầu tiên tại Hội trường Diên Hồng, với thành phần hơn 60 người, với các nhân vật tiêu biểu như Trần Đình Nam, Phan Khắc Sửu, Giáo sư Phạm Biểu Tâm, Trần Văn Văn, Đào Đăng Vỹ... Ngay trong phiên họp đầu tiên, ông Trần Văn Văn được bầu làm Tổng thư ký và ông Bùi Diễm làm Phó tổng thư ký.

Ngày 16 tháng 1, Hội đồng Nhân sĩ họp bàn về việc soạn thảo Hiến pháp mới cho Việt Nam Cộng hòa nhằm nhanh chóng thành lập một cơ cấu chính quyền dân sự.

Ngày 23 tháng 1, Hội đồng Nhân sĩ ra thông cáo yêu cầu chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ đoạn tuyệt ngoại giao với chính quyền Pháp với cáo buộc chính phủ Pháp can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam Cộng hòa.

Một tuần sau đó, tướng Nguyễn Khánh làm cuộc "chỉnh lý" ngày 30 tháng 1 năm 1964 để lên làm chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng. Hội đồng Nhân sĩ bị tướng Khánh ra quyết định giải tán vào ngày 4 tháng 4 năm 1964.[2]